Nội dung tin cậy, cập nhật nhanh nhất

Doanh nghiệp lớn lại kêu khó vì quy định trần chi phí lãi vay

Tại hội nghị đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế, hải quan năm 2018 do Bộ Tài chính phối hợp với Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức vào sáng 27/11, đại diện một số doanh nghiệp tiếp tục đồng loạt nêu khó khăn trong vấn đề thực hiện Nghị định 20. Trong đó, vướng mắc nhất là quy định phần chi phí lãi vay vượt quá 20% sẽ bị coi là chi phí không hợp lý và bị tính thuế.

Đại diện một doanh nghiệp cho rằng, mục tiêu của Nghị định 20 là chống thất thu thuế do tình trạng chuyển giá giữa các quốc gia. Tuy nhiên, thực tế, hiện quy định của văn bản này lại ảnh hưởng nhiều doanh nghiệp trong nước, nhất là với các tập đoàn hoạt động theo mô hình mẹ con như nhiều tập đoàn, tổng công ty tại Việt Nam. 

Người nộp thuế tại cơ quan thuế ở Hà Nội. Ảnh: N.T

Người nộp thuế tại cơ quan thuế ở Hà Nội. Ảnh: N.T

Theo đại diện doanh nghiệp, đơn vị này đầu tư vào nhiều lĩnh vực và ở giai đoạn đầu mỗi dự án đều cần nhiều vốn. Trong khi đó, vào thời gian đầu các dự án không thể vay vốn ngân hàng mà phải vay qua công ty mẹ nên chi phí lãi vay của tập đoàn rất lớn. Vì thế, việc khống chế mức chi phí lãi vay 20% gây ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp đang hoạt động theo mô hình công ty mẹ – con. Đại diện tập đoàn cho rằng khi khống chế lãi vay theo Nghị định 20, cơ quan quản lý cần cân nhắc để doanh nghiệp có thời gian tái cơ cấu vốn. 

Vị này cũng đề xuất chi phí lãi vay được tiếp tục thực hiện tính toán chi phí theo luật hiện hành, tạm chưa áp dụng Nghị định 20, cùng với đó là sửa văn bản này sao cho cho phù hợp tình hình hoạt động của mô hình doanh nghiệp tại Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Hội Tư vấn thuế lại cho rằng tỷ lệ khống chế chi phí lãi vay 20% là phù hợp thông lệ quốc tế. Ở một số quốc gia, tỷ lệ này còn lên tới 30%. Tuy nhiên, theo bà, với những mô hình hoạt động ở Việt Nam thì có thể xem xét lại.

Bà cũng dẫn chứng tình trạng một nhà máy nhiệt điện nếu tính theo cách cũ thì lợi nhuận tăng lên 100 tỷ đồng, trong khi ngược lại áp cách tính mới thì lợi nhuận bị giảm tương ứng. 

“Quy định này là phù hợp thông lệ rồi nhưng cần phải xem xét phù hợp với Việt Nam hay chưa, bởi tôi đảm bảo nếu đưa vấn đề này ra thì hầu hết tập đoàn, tổng công ty khi quyết toán sẽ nảy sinh một loạt vấn đề phải xử lý”, bà nói. 

Ông Cao Anh Tuấn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho rằng, doanh nghiệp Việt hiện mở rộng hoạt động toàn cầu nên cũng phải theo luật chơi toàn cầu. Ông cũng chia sẻ, hầu hết các doanh nghiệp kêu khó về quy định này đều là doanh nghiệp Việt, trong khi không có doanh nghiệp vì họ biết rõ đây là cuộc chơi toàn cầu. 

Ông bày tỏ sự chia sẻ với mô hình hiện tại của các doanh nghiệp Việt, song cho rằng các đơn vị cần xem xét tính toán lại các khoản vay. Theo lãnh đạo Tổng cục Thuế, trong hơn 600.000 doanh nghiệp thì chỉ 4.515 doanh nghiệp có quan hệ giao dịch liên kết phải kê khai theo Nghị định 20, tương đương chưa tới 1%. 

“Chúng tôi sẽ căn cứ vào số liệu thống kê, mức ảnh hưởng so với số đông doanh nghiệp ra sao để có giải pháp, đồng thời sẽ có những buổi làm việc với các doanh nghiệp lớn, tập đoàn, tổng công ty về vấn đề này”, ông Tuấn nói.  

Lãnh đạo Tổng cục Thuế cũng cho biết, theo chỉ đạo của Chính phủ, cơ quan thuế sẽ nghiên cứu lắng nghe những phản ánh của doanh nghiệp. Theo đó, giao cho Vụ doanh nghiệp lớn và Thanh tra, và các vụ liên quan mời một số doanh nghiệp, Tập đoàn trong nước trao đổi để xem xem các doanh nghiệp tính đúng chưa, mức độ ảnh hưởng ra sao…

Trước buổi đối thoại hôm nay, một loạt Tập đoàn, Tổng công ty và các công ty thành viên trực thuộc Tập đoàn Điện lực, Tập đoàn Than Khoáng sản, Tổng công ty Lắp máy Việt Nam có văn bản cho biết, quy định này có thể khiến họ phải nộp thêm hàng trăm tỷ đồng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp. 

Nguyễn Hà

Bạn cũng có thể thích

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.