Vivo và nỗ lực nâng cao sáng tạo trong giới smartphone
Thổi làn gió mới
Nhiều chuyên gia nhận định, so với giai đoạn 2000-2010, cải tiến trên thiết bị di dộng hiện tại đang chậm nhịp dần. Những giới hạn về công nghệ hay bài toán cân bằng giữa chi phí và giá bán khiến các hãng e dè tạo ra thay đổi những đứa con của mình. Từ đó, sáng tạo của giới smartphone bó hẹp trong việc tăng kích cỡ màn hình, thêm số lượng cảm biến. Các smartphone trong cùng phân khúc lặp lại thiết kế, tính năng không khác biệt.
Trong bối cảnh đó, Vivo là một trong số các nhà sản xuất smartphone chi hàng tỷ USD cho công tác R&D nhằm phát triển các công nghệ tiên tiến bao gồm 5G, AI, chụp ảnh di động và thiết kế điện thoại.
Hãng sở hữu và vận hành mạng lưới hoạt động nghiên cứu rộng khắp, với các trung tâm R&D tại Mỹ và nhiều thành phố lớn tại Trung Quốc như Đông Quan, Thâm Quyến, Nam Kinh, Bắc Kinh và Hàng Châu.
Nhờ các bệ phóng này, Vivo nhiều lần trình làng các công nghệ smartphone đi trước đối thủ.
Đơn cử, X1 trình làng năm 2012 là smartphone đầu tiên sở hữu công nghệ âm thanh tiêu chuẩn cao Hi-Fi Audio. Điện thoại tích hợp chipset xử lý âm thanh riêng, đi cùng phụ kiện tai nghe Beyerdynamic MMX 71.
Năm 2014, khi các hãng chạy theo trào lưu làm điện thoại mỏng nhẹ, Vivo ra đời chiếc smartphone mỏng nhất thế giới – X5Max với độ dày chỉ 4,75mm. Để có được số đo ấn tượng này, hãng thiết kế một bảng mạch dày 1,7mm trong khi màn hình là 1,36mm.
Tại hội nghị MWC 2018, hãng gây sóng thị trường khi giới thiệu chiếc Apex với nhiều công nghệ nổi bật. Trong cuộc đua smartphone tràn viền, Vivo đưa ra giải pháp mới mẻ: module camera có thể “thò thụt”. Nhờ đó, màn hình OLED gần như chiếm tuyệt đối thiết bị với tỷ lệ lên tới 91%, không có “tai thỏ”.
Đây còn là smartphone đầu tiên trên thế giới sở hữu cụm cảm biến vân tay quang học ẩn dưới màn hình. Dù chưa tốc độ chưa thể so sánh với cảm biến vật lý một chạm, Vivo đã cho thế giới công nghệ thấy được tiềm năng của phương thức bảo mật này.
Nex A và Nex S ứng dụng hệ thống camera ẩn “thụt thò” như Apex. |
Nếu Apex đóng vai trò là thiết bị tham chiếu, dẫn đường để Vivo thể hiện sức sáng tạo của hãng thì Nex sẽ là dòng flagship thương mại thừa hưởng các cải tiến này.
Hai đại diện đầu tiên của dòng Nex là Nex A và Nex S ứng dụng hệ thống camera ẩn “thụt thò” như Apex nhưng chú trọng thiết kế hơn như mặt lưng xử lý họa tiết pixel, màn hình OLED to hơn. Cảm biến vân tay ẩn cải tiến cho tốc độ nhanh hơn thế hệ trước.
Nửa năm sau đó, Vivo nhanh chóng cho ra mắt Nex 2 hay còn gọi là Vivo Dual Display. Thiết bị thuộc phân khúc flagship sở hữu hai màn hình ở mặt trước lẫn mặt sau. Máy không có camera trước và có đến tận 3 camera sau, bên cạnh đó là 10GB RAM, 128GB ROM, Snapdragon 845.
Bước chuyển mình
Tại MWC 2019, Vivo không tham gia giới thiệu sản phẩm hay công nghệ mới. Hãng vẫn đang chuẩn bị ra mắt của chiếc Apex thế hệ thứ hai. Thiết bị nhiều khả năng sẽ sở hữu thiết kế tràn viền bốn cạnh, không có nút bấm vật lý, không cổng sạc, hỗ trợ 5G, cảm biến vân tay ẩn toàn màn hình, loa ẩn dưới màn hình…
“Vivo đang dần chuyển mình trở thành người tiên phong trong lĩnh vực di động”, ông Spark Ni – Phó chủ tịch cấp cao của Vivo cho biết.
Từ công ty con của BKK Electronics (tập đoàn sở hữu Oppo), Vivo từng bước trở thành một trong những nhà sản xuất smartphone hàng đầu. Theo công ty nghiên cứu Counterpoint, tính riêng trong quý III/2018, hãng tiêu thụ 21,6 triệu điện thoại, mang về 19,9% thị phần tại Trung Quốc. Thị phần toàn cầu tính đến quý IV/2018 của nhà sản xuất này cũng đạt 7%.
Đánh dấu bước chuyển mình, mới đây Vivo chính thức thay đổi bộ nhận diện thương hiệu của mình bao gồm logo công ty, màu sắc chủ đạo của thương hiệu và phông chữ. Hãng kỳ vọng tái định vị thương hiệu trong mắt giới công nghệ lẫn người tiêu dùng.
Hãng thay đổi logo, màu sắc thương hiệu thể hiện tinh thần tiến về phía trước. |
Vivo đã hợp tác với nhà thiết kế Bo Linnemann – nhà thiết kế nổi tiếng người Đan Mạch giới thiệu logo mới sử dụng các đường nét hiện đại, đơn giản cùng các góc chữ cắt tỉa sắc nét để thể hiện đúng tinh thần luôn tiến về phía trước.
Vivo đồng thời điều chỉnh màu sắc chủ đạo thành màu xanh dương nguyên thủy. Đây là kết quả từ một nghiên cứu của hãng về thói quen thị giác của người tiêu dùng và khả năng tiếp thu của họ đối với màn hình kỹ thuật số. Màu sắc mới được đánh giá là dịu mắt hơn và là màu nền lý tưởng cho các sản phẩm sáng tạo khác của công ty.
Bên cạnh việc chính thức thay đổi nhận diện trên toàn cầu, trong cuối tháng 3 này, Vivo còn cho ra mắt tại nhiều thị trường, trong đó có Việt Nam, chiếc điện thoại tầm trung mới. Dự kiến chiếc Vivo V15 có màn hình tràn viền bốn cạnh, sử dụng module camera trước “tàng hình”. Bên cạnh đó, máy còn sở hữu camera trước lên đến 32 megapixel, bộ ba camera sau 24 megapixel, đi cùng thiết kế mới.
Vivo V15 sở hữu cơ chế module camera như các thiết bị Nex. |
Phân khúc tầm trung hiện là “miếng bánh ngon” cho hầu hết các nhà sản xuất smartphone châu Á. Bằng việc đưa các công nghệ tiên tiến từ các flagship Apex và Nex xuống một thiết bị tầm trung, Vivo thể hiện tham vọng bứt phá doanh số cho các thiết bị trung cấp của mình.
Bảo An