Nội dung tin cậy, cập nhật nhanh nhất

Đại hội cổ đông Eximbank tiếp tục bất thành

Sau phiên họp bất thành vào cuối tháng 4, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên lần thứ hai vào sáng 21/6 với tỷ lệ tham dự gần 94% cổ phần có quyền biểu quyết. Trái với dự đoán về một phiên họp suôn sẻ sau thời gian dài khủng hoảng nhân sự cấp cao, đại hội cổ đông Eximbank tiếp tục “dậy sóng” bởi tranh luận gay gắt giữa các nhóm cổ đông xoay quanh tính hợp pháp của nghị quyết bầu Chủ tịch HĐQT và Quyền Tổng giám đốc mới.

Phản bác hoài nghi của cổ đông, ông Cao Xuân Ninh khẳng định chức danh Chủ tịch HĐQT của mình tại ngân hàng này và Chủ tọa đoàn điều hành phiên họp đều hợp pháp. Theo ông Ninh, Eximbank trước đó cũng báo cáo với Cục Thanh tra giám sát ngân hàng TP HCM về công tác quản trị điều hành, công tác tổ chức đại hội đồng cổ đông nhằm đảm bảo các nghị quyết ban hành đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật và nội bộ ngân hàng.

“Chúng tôi sẽ bố trí phòng họp riêng với những nhân sự có trách nhiệm để giải đáp nếu cổ đông còn thắc mắc”, ông Ninh nói khi nhìn thấy hàng loạt cổ đông giơ tay phát biểu, trong đó có những người đứng chờ hơn 10 phút.

Một cổ đông lớn tiếng cho biết không đồng tình với phương án này, bởi theo ông đại hội cổ đông là buổi gặp giữa ban lãnh đạo và nhà đầu tư nên mọi vấn đề cần được đối thoại công khai. Sumitomo Mitsui Banking Corporation, cổ đông chiến lược nắm 15% vốn Eximbank, nhận định thông qua những tranh cãi suốt hai tiếng đồng hồ, cổ đông không tin tưởng với đoàn chủ toạ (trong đó có Chủ tịch Cao Xuân Ninh và Quyền Tổng giám đốc Nguyễn Cảnh Vinh) nên đề nghị bầu lại.

Sau gần hai giờ họp nhưng chưa thống nhất được việc bầu đoàn chủ tọa và thông qua quy chế phiên họp, ông Cao Xuân Ninh cho rằng các vấn đề này đều hợp lệ nhưng một số cổ đông cố tình hiểu sai hoặc do bị tác động bởi quan hệ cá nhân với các nhóm cổ đông khác.

Ông Ninh bày tỏ rất xấu hổ khi những vấn đề nội bộ khiến Eximbank từ nhóm 5 ngân hàng dẫn đầu thị trường nay rơi xuống nhóm 3 ngân hàng từ dưới lên. Ông đề nghị cổ đông cho ý kiến điều chỉnh quy chế, đồng thời biểu quyết lại để phiên họp tiếp tục. Tuy nhiên, yêu cầu này bị bác bỏ.

Với hơn 55% không đồng ý thông qua quy chế và 5% không có ý kiến, đại hội đồng cổ đông thường niên lần thứ hai của Eximbank kết thúc.

Ông Cao Xuân Ninh trao đổi với cổ đông sau khi đại hội lần thứ 2 bất thành. Ảnh: Phương Đông.

Ông Cao Xuân Ninh trao đổi với cổ đông sau khi đại hội lần thứ 2 bất thành. Ảnh: Phương Đông.

Theo điều lệ hiện hành, ĐHCĐ của Eximbank chỉ được tổ chức khi cổ đông dự họp đại diện cho ít nhất 65% tổng số có quyền biểu quyết. Nếu đại hội lần thứ hai bất thành, ngân hàng triệu tập họp lần ba trong vòng 20 ngày và tiến hành không phụ thuộc vào số lượng cổ đông hay đại diện uỷ quyền tham dự.

Khủng hoảng của Eximbank khởi nguồn từ biến động nhân sự cấp cao vào cuối tháng 3 năm nay. Khi đó, bà Lương Thị Cẩm Tú (nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng Nam Á) được bầu làm Chủ tịch HĐQT thay ông Lê Minh Quốc. Ông Quốc cho rằng cuộc họp này trái quy định do trước đó Ngân hàng Nhà nước có văn bản yêu cầu ban lãnh đạo Eximbank gửi toàn bộ hồ sơ tài liệu liên quan đến bất ổn trong HĐQT để cơ quan này xem xét và giải quyết.

Đến ngày 14/5, ông Lê Minh Quốc bất ngờ gửi đơn từ nhiệm và sau đó một ngày, Eximbank thông báo chấm dứt hiệu lực nghị quyết về việc bãi nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT đối với ông Quốc và bầu thay thế bà Lương Thị Cẩm Tú.

Eximbank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm nay tăng trưởng 30%, lên 1.077 tỷ đồng. Tổng tài sản đạt trên 181.000 tỷ đồng, huy động vốn 143.500 tỷ đồng và dư nợ cấp tín dụng tăng trưởng 11% theo hạn mức do Ngân hàng Nhà nước thông báo. Ban lãnh đạo nhà băng cho biết trong điều kiện kinh doanh thuận lợi sẽ xin phép ngân hàng xem xét tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng.

Phương Đông

Bạn cũng có thể thích

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.