Nội dung tin cậy, cập nhật nhanh nhất

Bốn chữ 'nhưng' sau vài năm tái cơ cấu nền kinh tế

Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020 với 3 trụ cột chính là tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công; thị trường tài chính, tập trung vào các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp Nhà nước, nâng cao chất lượng doanh nghiệp tư nhân… đang bước vào thời điểm đánh giá kết quả giữa kỳ. Bản dự thảo đầu tiên về kết quả giữa kỳ này  đang được Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) hoàn thiện để trình cấp có thẩm quyền. 

Trong số 16 định hướng, chính sách lớn và 120 nhóm nhiệm vụ thực hiện ở cấp bộ ngành được Nghị quyết 27 đưa ra, theo báo cáo của CIEM, chỉ có 25,8% nhiệm vụ đã triển khai và có kết quả rõ ràng; 57,5% chưa có kết quả rõ ràng và 16,7% nhiệm vụ đã triển khai và chưa ra kết quả. Đánh giá chung CIEM nhận định, 24% mục tiêu cơ cấu lại dự kiến hoàn thành, 32% có khả năng hoàn thành và 41% mục tiêu sẽ khó hoàn thành.

CIEM với vai trò chủ trì báo cáo đã nhận xét: Dù có nhiều kết quả đạt được, vẫn có 4 chữ “nhưng”, hàm ý 4 thách thức, trong quá trình tái cơ cấu kinh tế vừa qua.

Một là nguồn lực chưa được phân bố lại theo hướng nâng cao hiệu quả.

Hai là các dòng chảy lớn trong nền kinh tế như Nhà nước sang tư nhân hay khu vực chính thức thành phi chính thức… vẫn diễn ra rất chậm.

Chưa kể, các động lực hiện đã tới hạn và suy giảm năng lượng nội sinh cho tăng trưởng kinh tế giai đoạn tới.

Việc duy trì tăng trưởng cao và bền vững như mức hiện tại là thách thức lớn nếu không thay đổi khác biệt về tư duy, cải cách thể chế, chỉ đạo điều hành phân bố, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực Nhà nước và tạo động lực tăng trưởng cho nền kinh tế.

Tiến sĩ Vũ Sỹ Cương (Học viện Tài chính, Bộ Tài chính) cho rằng, qua giai đoạn đầu tái cơ cấu và nửa chặng đường của giai đoạn 2, kinh tế vẫn vấp phải bất cập khi tái diễn chuyện “trên bảo dưới không nghe” trong phân bổ nguồn lực, sử dụng nguồn lực công chưa minh bạch. Ông minh chứng bằng kết quả cơ cấu lại đầu tư công vẫn rất chậm, chi thường xuyên gần gấp đôi bình quân ASEAN, ở mức 65%, trong khi đầu tư phát triển thấp. “Tái cơ cấu mới chỉ siết chặt kỷ luật đầu tư công chứ chưa tập trung vào các giải pháp nâng cao hiệu quả, tránh lãng phí đầu tư”, ông Cường nêu.

Công nhân thực hiện hàn cột tại một công trường xây dựng. Ảnh: Reuters

Công nhân thực hiện hàn cột tại một công trường xây dựng. Ảnh: Reuters

Do vậy trọng tâm cải cách sắp tới là phân bổ nguồn lực nhất thiết phải theo thị trường, xóa bỏ độc quyền của các doanh nghiệp Nhà nước và ưu tiên rót vốn cho ‘người thắng cuộc’ – từ mà ông Nguyễn Đình Cung nói về những doanh nghiệp kinh doanh tốt, phát triển. 

“Chỉ có thị trường, thị trường và thị trường hơn mới tạo ra động lực mới cho tăng trưởng, phát triển. Còn nếu cứ kìm hãm thị trường như hiện nay thì sẽ không có dư địa cho tăng trưởng”, Viện trưởng CIEM nói và nhận xét đây là vấn đề “đã nói nhiều nhưng vẫn còn tính thời sự”.

Lấy ví dụ độc quyền trong ngành hàng không, ông Cung cho rằng, sự “phủ sóng nghiễm nhiên của các doanh nghiệp Nhà nước trong lĩnh vực này đã khiến thị trường mất đi tính cạnh tranh, triệt tiêu động lực phát triển chung và tước đoạt quyền kinh doanh của doanh nghiệp khác có khả năng”.

“Độc quyền tiếp diễn, các sân bay sẽ duy trì tắc nghẽn như hiện nay. Nên mạnh dạn giao cho các hãng hàng không tư nhân, họ có động lực để xây dựng”, ông Cung nói. Ngoài ra, theo người đứng đầu CIEM, tái cơ cấu nền kinh tế cần gắn với ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng và tăng cường vị thế vùng động lực tăng trưởng như TP HCM, Hà Nội…

Mạnh dạn phân bổ lại nguồn lực cũng là góp ý của Tiến sĩ Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng CIEM. “Trước tiên phải đổi mới tư duy, luật pháp. Sử dụng vốn có hiệu quả quan trọng hơn là “cắm đầu cắm cổ kiếm vốn về”, ông chốt lại.

Còn theo chuyên gia Phạm Chi Lan, Việt Nam cần tìm cách thúc đẩy và dựa vào nội lực, bởi tăng trưởng dù ở mức cao, bình quân trên 6% mỗi năm, song nếu trừ đi các nhân tố ngoại, GDP trong nước có thể thấp hơn. “Chúng ta cần dựa vào nội lực, tránh ngộ nhận về những thành tích, những thứ không phải do tự Việt Nam làm ra”, bà nói.

Phát triển nội lực làm động lực cho tăng trưởng, trợ lực tái cơ cấu kinh tế, theo bà, nghĩa là Việt Nam phải xây dựng được những doanh nghiệp có vai trò dẫn dắt, có quy mô lớn, trở thành đối tác với doanh nghiệp FDI…

Còn với tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, theo các chuyên gia, không nên dồn lực cứu các dự án, doanh nghiệp thua lỗ. Thay vào đó, Nhà nước nên rót vốn vào những “người thắng cuộc”, đơn vị có tiềm năng, kinh doanh tốt. 

Một số mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020:

– Tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân 5 năm 2016 – 2020 tăng 6,5 – 7% một năm.

– Giảm dần tỷ lệ bội chi ngân sách Nhà nước đến năm 2020 xuống dưới 3,5% GDP.

– Quy mô nợ công hàng năm giai đoạn 2016 – 2020 không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 54% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP.

– Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân hàng năm trên 5,5%. Đến năm 2020 tỷ trọng lao động nông nghiệp dưới 40%.

– Nợ xấu các tổ chức tín dụng dưới 3% đến năm 2020.

– Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt khoảng 70% GDP; thu hẹp khoảng cách năng lực cạnh tranh quốc gia với ASEAN-4…

Anh Minh

Bạn cũng có thể thích

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.