Nội dung tin cậy, cập nhật nhanh nhất

Chiếc điện thoại Nokia phảng phất hương gỗ tuổi thơ

Cha tôi là thợ mộc. Ông có xưởng gỗ riêng, thi thoảng, khi nhận dự án lớn, ông mới thuê mướn nhân công bên ngoài, nhưng chủ yếu vẫn là anh em trong họ hàng. Bên nội tôi có truyền thống làm mộc, truyền từ đời này sang đời khác. Vừa mới lớn lên, tôi đã làm quen với mùi gỗ nồng nặc. Mạt cưa những năm tháng đó dính lên cả mặt cả mũi, cả đầu tóc tai, tắm gội mãi mới sạch. Ở độ tuổi lên 8, lên 9, tôi đã biết như thế nào là chà giấy nhám. Cha dạy tôi chà thế nào để gỗ mịn hơn, nhanh hơn. Tan học chiều, tôi chạy về nhà, vứt cặp lên bàn và lao ra xưởng phụ cha. Mẹ tôi và anh em tôi đều đã quen với công việc chà giấy nhám, đỡ cánh cửa nặng trịch lên máy cưa bàn hộ cha. Có lẽ, cũng vì những năm tháng đó, đôi bàn tay búp măng của tôi dần trở nên chai sạm và to bản hơn khi lớn lên. Để mỗi lần, khi ai đó chạm vào tay tôi, họ không tin được rằng ấy là đôi bàn tay của con gái.

Chiếc Nokia 1600 của gia đình độc giả Huyền Trang.

Chiếc Nokia 1600 của gia đình độc giả Huyền Trang.

Năm 2005, tôi vừa tròn 8 tuổi. Thời gian đó, tôi nhớ cha tôi háo hức chạy từ Tân Kỳ về Đô Lương trên chiếc Honda Dream đời 2002 để khoe với cả nhà rằng ông vừa tậu được chiếc điện thoại Nokia 1600 cũ mà dượng bán lại. Chiếc điện thoại màu đen nắm được trọn trong lòng bàn tay với màn hình bé tí tẹo nhưng cũng đủ khiến lũ trẻ như anh em tôi nhảy cẫng lên. Đó là lần đầu tiên cha có điện thoại riêng cho chính mình. Chiếc điện thoại khiến cha liên lạc với mọi người dễ dàng hơn, có nhiều mối làm ăn tốt hơn, và nó đáp ứng đủ ba yếu tố mà cha mong muốn: gọi điện, nhắn tin và xem giờ giấc. Nokia 1600 không có nhạc, không có thẻ nhớ để lưu trữ bất cứ thứ gì. Thế mà anh em tôi vẫn mê, vẫn thường vọc vạch, chơi game và nhắn tin cho bạn bè, như để khoe với chúng nó rằng “tao cũng có điện thoại”, dù là dùng ké của cha, và sau mỗi tin nhắn thì anh em tôi đều biết rằng đứa kia đã nhanh chóng xóa đi để cha không nghi ngờ, nhưng thi thoảng ông vẫn lắc đầu bối rối về việc tại sao tiền trong tài khoản cứ tuột dốc không phanh đến khó hiểu. Và ông lại hỏi dò anh em tôi, dồn chúng tôi vào chân tường cho đến khi nào một trong hai đứa khai mới chịu thôi. Anh em tôi chối đây đẩy, đứa nào cũng bướng bỉnh không chịu khai. Thế là, cha bắt cả hai anh em ra chà giấy nhám.

Tôi vẫn còn nhớ Nokia 1600 có trò Pocket Carrom tương tự như thể loại game Bida khá nổi trên PC và Console. Chỉ với các phím điều hướng 2, 4, 6, 8 và phím 5 điều chỉnh lực bắn và thực hiện lệnh bắn, nhưng đây là trò khiến tôi mê mẩn sớm tối. Cứ mỗi lần đi học trưa về, cha tôi vẫn đang miệt mài cưa gỗ, tôi vui ra mặt khi nhìn thấy chiếc điện thoại nằm im trên bàn. Tôi vứt cặp và mở game yêu thích của mình ra chơi, anh tôi bắt gặp liền hét toáng lên cho cha nghe như bắt quả tang tôi dùng trộm điện thoại. Những năm tháng đó, giữa hai anh em luôn có nhiều cuộc chiến giành giật chiếc cục gạch ly kỳ. Nó như đã bỏ bùa tôi, và cha tôi sợ vì nó mà anh em tôi chểnh mảng học tập nên đã cấm không cho chúng tôi đụng dù chỉ một giây. Cứ khi nào cả nhà đang xem phim, anh tôi hoặc tôi lén lút cầm điện thoại, cha lại nổi cáu và thế là chả đứa nào dám bén mảng lại gần. Cả nhà tiếp tục xem phim trong im lặng.

Có một đợt, cha tôi bỗng dễ tính. Tôi đi chăn trâu và cha cho tôi mượn điện thoại chơi. Đó là lần duy nhất trong cuộc đời, tôi được ưu đãi cho một ngày tuyệt vời như vậy, may mắn là hôm đó không vì mải chơi mà để trâu ăn lúa ngô khoai, hay bị bảo vệ làng phạt hay nhắc nhở gì. Lên cấp 2, điển hình là vào năm 2010, khi Nokia 1280 ra đời, một vài đứa trong lớp tôi bắt đầu dùng. Thầy cô cứ nhắc nhở và thu điện thoại của chúng suốt ngày vì tội nhắn tin trong lớp, có đứa nhắn tin nhiều quá, quen quá đến nỗi không cần nhìn bàn phím, và chỉ cần nhắn bằng một tay. Đối với một trường ở quê, chỉ những đứa nghịch ngợm hoặc nhà giàu mới dám tiêu xài hàng công nghệ này. Cha tôi chưa bao giờ nghĩ tôi phải dùng điện thoại vào việc gì, nhưng ông liền gật đầu khi tôi bảo muốn một chiếc máy vi tính để học tiếng Anh và thi IOE. Thế là, trong giai đoạn ấy, tôi vẫn dùng ké chiếc Nokia 1600 của cha, để mỗi lần bạn muốn nhắn tin hỏi bài, tôi đều đưa số cha cho họ. Mỗi lần được cầm chiếc Nokia của cha, tôi có cảm giác như nó thuộc về sở hữu của bản thân trong khoảnh khắc.

Cho đến mãi về sau, khi tôi đã là học sinh cấp 3, lên đại học, và sắp sửa tốt nghiệp đại học, cha vẫn kiên định dùng chiếc điện thoại Nokia 1600 như một món quà quý không có hạn sử dụng. Cha tôi bảo rằng dùng lâu đã quen, đổi sang smartphone lại phải học từ đầu, phức tạp và mất thì giờ. Với những người làm ăn như cha, đơn giản là tiêu chí hàng đầu. Chiếc Nokia 1600 đã trải qua 13 năm tuổi, cùng chứng kiến bao nhiêu thay đổi của cuộc sống gia đình. Chiếc điện thoại thơm mùi gỗ, mùi mạt cưa, và nó cũng được sinh ra từ cánh cửa, từ chiếc bàn, chiếc ghế mà cha đã tự thiết kế, tự chế tạo. Mỗi lần từ Hà Nội về quê, nhìn thấy chiếc điện thoại vẫn nằm gọn trên bàn, tôi nhớ mình của một thập niên về trước, về những ngày hồn nhiên, vô tư lự. Mọi thứ xung quanh đã khác xưa, từ cánh cổng, hàng rào, từ nhà tắm, đến các vật dụng trong nhà đều đã thay mới, nhưng chiếc Nokia 1600 vẫn kiên định ở đó, nở nụ cười đón chúng tôi về tuổi thơ!

Nguyễn Thị Huyền Trang

Từ 25/10 đến 21/11, chuyên trang Số hóa của Bản Tin Online tổ chức cuộc thi “Chiếc điện thoại Nokia đầu tiên của tôi”. Đây là nơi bạn đọc chia sẻ kỷ niệm về chiếc điện thoại di động Nokia đầu tiên mà mình sở hữu, những giá trị mà hãng công nghệ Phần Lan mang lại. Thời gian gửi bài dự thi bắt đầu từ 10h ngày 25/10 đến hết 24h ngày 21/11, tương đương 4 tuần thi.

Mỗi tuần, ban tổ chức sẽ trao ba giải thưởng tuần cho ba bài viết có số điểm cao nhất, mỗi giải là một điện thoại Nokia 3.1 trị giá 3,99 triệu đồng.

Cuối cuộc thi, ban tổ chức sẽ lựa chọn ra các bài dự thi có chiếc điện thoại Nokia đầu tiên vẫn còn sử dụng được cho đến hiện nay để chấm điểm, sau đó chọn ra ba bài viết có nội dung hay và cảm xúc nhất để trao giải đặc biệt. Mỗi giải là bộ đôi điện thoại Nokia 6.1 Plus (trị giá 6,59 triệu đồng) và Nokia 5.1 Plus (trị giá 4,79 triệu đồng).

Gửi bài dự thi tại đây

Bạn cũng có thể thích

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.