Chuyện thưởng cuối năm ở các công ty Internet Trung Quốc
Từ lâu, việc trao thưởng cuối năm ở các công ty công nghệ tại Trung Quốc không chỉ vì lợi ích của nhân viên, mà dần trở thành một trong những điểm tạo nên sự khác biệt của lĩnh vực này so với công ty truyền thống. Ngoài việc giúp tạo nên danh tiếng nhờ sự nổi bật, nó còn có tác dụng đáng kể trong việc giúp công ty thu hút thêm nhân tài.
Vào dịp cuối năm, khi các phần thưởng được xác định và công bố, những người bận rộn nhất ở nhiều công ty công nghệ không phải bộ phận tài chính hay nhân sự mà là đội ngũ phụ trách truyền thông và quan hệ công chúng. Họ có trách nhiệm quảng cáo cho tất cả mọi người biết công ty mình “hào phóng” ra sao hay “xứng đáng để làm việc nhất thế giới” như thế nào.
Thưởng xe hơi hay nhà cho nhân viên xuất sắc ở Trung Quốc không còn là chuyện hiếm. Ảnh: Zhihu |
Nhiều năm trước, các giải thưởng giá trị lớn và sang trọng khá phổ biến như căn hộ, xe hơi, thậm chí là một chuyến du lịch nước ngoài tới Đông Nam Á, Hàn Quốc, Nhật Bản. Tuy nhiên sau một thời gian, các công ty nhận thấy cách làm này không hiệu quả, tốn kém và rất khó thu hút sự quan tâm của giới truyền thông.
Họ đã nghĩ cách để việc trao thưởng trở nên đặc biệt. Các giải thưởng đôi khi không quá đắt, nhưng độc đáo để “trông có vẻ đắt” và đi kèm là một bầu không khí trao giải sang trọng.
Từ đó, các món quà cuối năm trở nên ngày càng sáng tạo. Nó có thể là những chiếc điện thoại mới nhất của Apple, một con búp bê bơm hơi hoặc thậm chí chỉ là bình giữ nhiệt. Trang phục lên nhận thưởng cũng ngày càng cầu kỳ, đôi khi người nhận phải khoác các loại trang sức vàng bạc thể hiện giàu có như trong đám cưới. Hình thức trao thưởng lấy cảm hứng từ lối sống giàu sang của người dân Dubai này từng gây nhiều sự chú ý của giới truyền thông Trung Quốc.
Xếp tiền thưởng cuối năm thành từng chồng lớn ở một công ty Trung Quốc. Ảnh: SCMP |
Dịp nghỉ Tết Dương lịch cuối 2018, một công ty Internet ở Thượng Hải gây chú ý khi trao phần thưởng “một năm nghỉ có lương” cho nhân viên. Tuy nhiên, giải thưởng mang tính hình thức bởi nó chỉ có hiệu lực tới 31/12/2018. Có nghĩa, nhân viên nhận giải chỉ có thể nghỉ phép tối đa ba ngày.
Được ví như một “cuộc chiến không thuốc súng”, có công ty tuyên bố: “Chỉ có thứ chúng tôi không nghĩ ra, chứ không có giải thưởng cuối năm nào công ty không dám trao tặng”.
Hàng loạt món quà độc đáo xuất hiện như chân giò, nước tương, màn thầu, phiếu in những câu thành ngữ… Một số công ty có kết quả kinh doanh kém cũng dựa vào cách này để giảm chi phí thưởng cho nhân viên, hay đưa ra các thử thách hoặc trò chơi khó khăn, với phần thưởng được phân phối theo kết quả tranh tài.
Lãnh đạo một công ty Internet, có trụ sở ở khu vực Đông Bắc, tuyên bố trong cuộc họp cuối năm thưởng Tết mỗi người sẽ là phong bao trị giá 100.000. Các nhân viên nghĩ con số này là 100.000 nhân dân tệ (gần 15.000 USD), nhưng kết quả lại là ngoại tệ của một quốc gia khác, với tỷ lệ quy đổi chỉ tương đương 29 nhân dân tệ.
“Vào đúng công ty, bạn là cá koi. Vào nhầm công ty, bạn là cá muối” dần trở thành câu nói quen thuộc với giới nhân viên văn phòng trong các công ty công nghệ ở Trung Quốc.
Minh họa về cá koi (nhận thưởng lớn) và cá muối (nhận thưởng ít) ở Trung Quốc. Ảnh: Sina |
Một thống kê cho thấy số lượng lời khen ngợi đội ngũ cấp dưới nhận được từ lãnh đạo tăng hơn 70% so với thông thường. Một số giám đốc cho biết sự nhiệt tình của nhân viên đột nhiên tăng cao gần thời gian nhận thưởng. Một công ty phần mềm ghi nhận, trong hai tháng trước dịp thưởng cuối năm, tỷ lệ đi trễ, về sớm của nhân viên giảm đáng kể trong khi số lượng người đăng ký làm việc ngoài giờ cũng tăng bất thường.
Bảo Nam (theo Sina)