Nội dung tin cậy, cập nhật nhanh nhất

Định chuẩn cơ sở dữ liệu quyết định thành công của chính phủ điện tử

Ngày 20/9, phiên họp thứ nhất Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử đã diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và các thành viên Ủy ban. 

Báo cáo thực trạng triển khai Chính phủ điện tử tại Việt Nam do Bộ trưởng Mai Tiến Dũng trình bày chỉ ra nhiều nguyên nhân, rào cản khiến Việt Nam chưa đạt được những kết quả tương xứng, trong đó cơ sở dữ liệu và tính liên thông dữ liệu là một trong những vấn đề nổi cộm.

Cụ thể, hệ thống nền tảng kết nối, liên thông, tích hợp chia sẻ dữ liệu triển khai chậm, chưa công bố tiến độ; các nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu điện tử tại các bộ, ngành, địa phương chưa hoàn thành. Các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, tài chính triển khai chậm dẫn đến việc chia sẻ, dùng chung chưa được thực hiện.

Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, phát triển Chính phủ điện tử cần tiếp cận theo hướng toàn diện, cả về dịch vụ công, nhân lực và hạ tầng; đẩy mạnh việc xây dựng dữ liệu quốc gia, hiện còn chậm trễ, nhất là dữ liệu dân cư. Đây được xem là một trong những vướng mắc trong xây dựng Chính phủ điện tử.

Các thành viên Uỷ ban Quốc gia về Chính phủ điện tử. Ảnh: Thống Nhất

Các thành viên Uỷ ban Quốc gia về Chính phủ điện tử. Ảnh: Thống Nhất

Là đại diện doanh nghiệp tư nhân duy nhất trong bốn doanh nghiệp CNTT-VT trụ cột tham gia vào Ủy ban, người đứng đầu Tập đoàn FPT, ông Trương Gia Bình cho rằng để giải quyết vấn đề về cơ sở dữ liệu và liên thông dữ liệu thì việc đầu tiên và tiên quyết là cần phải định chuẩn cơ sở dữ liệu.

Ông Bình cho rằng cần xây dựng bộ tiêu chuẩn quốc gia về dữ liệu, các trường thông tin cần thu thập của dữ liệu, hình thức lưu trữ, có định chuẩn cơ sở dữ liệu hay nói cách khác là chỉ khi các cơ sở dữ liệu “cùng chung một thứ tiếng” thì việc tích hợp và liên thông mới thông suốt. Cần thành lập cơ quan nhà nước có chức năng định chuẩn và kiểm soát, giám sát dữ liệu. Mỗi dữ liệu đều phải tuân thủ quy chuẩn, ko được chồng chéo; các cơ quan ban ngành địa phương chỉ cần nhập dữ liệu một lần duy nhất, còn cơ quan kiểm soát sẽ đảm bảo thông tin sau này được xử lý và sử dụng cho các mục tiêu khác nhau.

Bài học của những quốc gia đã triển khai thành công Chính phủ số như Hàn Quốc, Estonia là ưu tiên xây dựng cơ sở dữ liệu về dân cư, doanh nghiệp, đất đai và các cơ sở dữ liệu liên quan. Người dân Estonia sử dụng thẻ công dân icard trong tất cả các dịch vụ công. Chính phủ phân công cơ quan nào nhập dữ liệu gì với nguyên tắc nhập liệu chỉ một lần duy nhất và kiểm soát, giám sát để dữ liệu là duy nhất, không bị chồng chéo và luôn được cập nhật. Estonia đã nghiên cứu, xây dựng và triển khai X-Road, một hệ thống thông tin đóng vai trò xương sống của Chính phủ số, cho phép liên kết giữa các hệ thống thông tin khác nhau của các cơ quan nhà nước hoặc của khối tư nhân để hoạt động hài hòa cùng nhau. Hệ thống này đã giúp Estonia tiết kiệm 700 năm công vụ, tiết kiệm chi phí tương đương 1,5% GDP.

Với kinh nghiệm 20 năm trong lĩnh vực Chính phủ điện tử và 1.500 chuyên gia trong lĩnh vực công, am hiểu về nghiệp vụ cải cách hành chính, FPT đã cùng nhiều địa phương xây dựng các hệ thống Chính phủ điện tử và đạt được những kết quả đáng kể. Điển hình là hệ thống tác nghiệp chuyên ngành dịch vụ công trực tuyến, Quản lý văn bản, Một cửa điện tử… hay các cơ sở dữ liệu chuyên ngành như Cơ sở dữ liệu Đất đai, Đăng ký kinh doanh, Hộ tịch, Tư pháp…

Để triển khai Chính phủ điện tử quyết liệt hơn, cuối tháng 8/2018, Thủ tướng đã ký Quyết định 1072 thành lập Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử trên cơ sở kiện toàn Ủy ban Quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin. Ủy ban do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm Chủ tịch, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm Phó Chủ tịch. 

Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử có chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ và Thủ tướng về chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách tạo môi trường pháp lý thúc đẩy xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số tạo thuận lợi cho việc triển khai Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tại Việt Nam. Mục tiêu lớn nhất là trong vòng 7 năm tới sẽ đưa Việt Nam vào nhóm bốn nước dẫn đầu ASEAN trong xếp hạng Chính phủ điện tử của Liên Hợp Quốc, thay vì vị trí thứ 6 trong ASEAN và vị trí thứ 88 trong 193 nước và vùng lãnh thổ như hiện nay.

Châu An

Bạn cũng có thể thích

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.