Nội dung tin cậy, cập nhật nhanh nhất

Momo trở thành nỗi sợ của trẻ em trên YouTube

Momo hay “Thử thách Momo” là chủ đề được quan tâm thời gian gần đây. Cha mẹ lo lắng liệu nó có ảnh hưởng đến con cái, các đơn vị liên quan đến giáo dục hay nhà quản lý nội dung trên Internet đưa ra những cảnh báo về những mối nguy hiểm khi cho trẻ tiếp cận với Internet mà không có sự giám sát liên tục. Tuy nhiên, Momo – một nhân vật kinh dị, đang bị đánh đồng với “Thử thách Momo” – trào lưu tự gây hại, thậm chí hướng dẫn người tham gia tự tử.

Momo đến từ đâu?

Tạo hình nhân vật Momo. Ảnh: Sun

Tạo hình nhân vật Momo. Ảnh: Sun

Theo Telegraph, nhân vật Momo xuất phát từ tác phẩm điêu khắc được tạo bởi nghệ sỹ Keisuke Aisawa tại Link Factory – một công ty của Nhật Bản chuyên về đạo cụ phim kinh dị. Hình ảnh của nhân vật này với tóc dài, mắt lồi, thân mình trông giống gà, có thể gây ghê rợn cho nhiều người, đặc biệt là trẻ em. Nhân vật Momo đã được đăng trên mạng và chia sẻ hàng nghìn lần trên diễn đàn Reddit.

“Thử thách Momo” là gì?

Đây là trò bịp xuất phát từ ứng dụng nhắn tin WhatsApp, sau đó lan truyền sang các phương tiện truyền thông khác, trong đó người chơi sẽ phải thực hiện các thử thách theo nhiều mức độ. Có những nhiệm vụ mà khi người chơi hoàn thành sẽ làm bị thương chính mình hay người xung quanh, thậm chí dẫn tới bạo lực hoặc tự sát.

Trước “Thử thách Momo”, những trò bịp gây hại khác cũng đã lan truyền như “Thử thách cá voi xanh” – yêu cầu người tham gia rạch tay hay nhảy từ lầu cao, “Thử thách Tide” – ăn viên giặt, xả quần áo. Một số thử thách khác lại nhằm lan truyền thông điệp tích cực, chẳng hạn “Thử thách nước đá” – Ice bucket challenge để nâng cao nhận thức về hội chứng xơ cứng teo cơ một bên.

Truyền thông sục sôi

Năm ngoái, truyền thông Nam Mỹ bắt đầu liên kết giữa hình ảnh về thử thách với nguyên nhân nhiều cái chết của trẻ em địa phương, tuy nhiên báo cáo không có xác minh. Sau đó một số tài khoản YouTube, trong đó có ReignBot với nửa triệu người theo dõi, đăng video bàn về thử thách và một số cơ quan chức năng đã đưa ra cảnh báo về những mối nguy hiểm có thể gây ra với trẻ em.

Theo Washington Post, câu chuyện về “Thử thách Momo” trở nên lan truyền mạnh mẽ vào cuối tháng 2/2019 khi một bà mẹ tại Anh đăng trên Facebook nói rằng con bà đã tìm kiếm “thử thách Momo” trên mạng. Thông tin sau đó được một số kênh truyền thông đưa lại với các tựa đề “giật gân”, tập trung vào việc thử thách khuyến khích người chơi tự sát. Tin tức tiếp tục lan truyền tại Anh, nhất là với các bậc phụ huynh, rồi sang Mỹ và toàn thế giới.

“Thử thách Momo” có trên YouTube không?

Daily Telegraph cho biết đã tìm thấy nhiều video “thử thách Momo” trên YouTube và Instagram, bao gồm những video do người dùng thực hiện và những nội dung được lồng ghép trong những video không chính thức có nhân vật Peppa Pig. Hai nền tảng này đã xóa các video đó sau khi được người dùng báo cáo nội dung không phù hợp.

Nội dung bạo lực, hướng dẫn tự làm hại trẻ em trên YouTube. Ảnh: Linda Nguyen

Nội dung bạo lực, hướng dẫn tự làm hại trẻ em trên YouTube. Ảnh: Linda Nguyen

Trong khi đó, YouTube phủ nhận và nói các quy định của dịch vụ này “cấm nội dung khuyến kích các hành động nguy hiểm, có nguy cơ gây hại hoặc gây tử vong”. Đại diện Google cho biết: “Gần đây chúng tôi chưa từng nhận được bất kỳ bằng chứng nào về những video thể hiện hoặc chia sẻ Momo challenge trên YouTube. Những nội dung như thế này vi phạm chính sách của chúng tôi và sẽ bị xóa khỏi YouTube ngay lập tức”.

Thực tế, thông tin được lan truyền gần đây tập trung hướng vào nhân vật Momo với ngoại hình kỳ dị, có thể gây hoảng sợ cho trẻ em. Nhân vật Momo được chèn vào một đoạn bất ngờ trong các video được đăng trên YouTube, kèm theo những lời lẽ mang tính chất hù dọa nhưng rất tiêu cực, chẳng hạn: bạn sẽ chết. Trẻ em thấy hình ảnh này có thể khóc, bỏ ăn nhưng cảnh sát Anh thông báo chưa có bất kỳ trường hợp trẻ em nào tự làm hại mình do nhân vật Momo.

YouTube không an toàn tuyệt đối

Nhân vật Momo có thể khiến trẻ em hoảng sợ, những lời hù dọa có thể ảnh hưởng không tốt tới tâm lý của trẻ nhưng “thử thách Momo” hoặc các nội dung tương tự mới thật sự nguy hiểm và chúng tồn tại trên YouTube. Đó là những video hướng dẫn trẻ tự làm hại bản thân bằng cách rạch tay, video hoạt hình sử dụng cảnh bạo lực. Nhìn thoáng qua, nó giống như một bộ phim cho trẻ em nhưng nội dung truyền tải lại mang ý nghĩa tiêu cực, hướng dẫn trẻ làm hại chính mình.

Đầu 2017, YouTube tràn lan những video nội dung người lớn “đội lốt” phim trẻ em. Công chúa Elsa mặc bộ quần áo hở hang, nhân vật Spiderman, Joker, Superman hay Hulk thực hiện cảnh ôm hôn phản cảm với bạn diễn. Những nội dung “rẻ tiền”, các bài hát vô nghĩa cũng xuất hiện nhiều trên đây. YouTube còn bị phản ứng khi để những bình luận phản cảm, các lời lẽ mang tính chất kích dục, ấu dâm…

Cha mẹ cần thêm trách nhiệm

Nội dung tiêu cực, không phù hợp với độ tuổi của người xem là vấn đề tồn tại của YouTube. Nền tảng này cần phải có những bộ lọc tốt hơn nữa nhằm ngăn chặn nguy cơ có thể xảy ra, nhất là với trẻ em. Trong khi đó, giải pháp dễ dàng nhất đối với các bậc phụ huynh có trẻ nhỏ có lẽ là loại bỏ YouTube khỏi mọi thứ, từ điện thoại, TV, máy chơi game, iPad…

Ứng dụng YouTube Kids được thiết kế dành riêng cho trẻ em sẽ giúp lọc các kênh có nội dung phù hợp, giới hạn thời gian xem. Cha mẹ nên giám sát khi cho con sử dụng điện thoại, truy cập YouTube để biết nội dung trên đó là gì. Nếu dùng chính tài khoản YouTube trên thiết bị mà mình đang sử dụng, trẻ em hoàn toàn có thể bắt gặp những nội dung “chỉ dành riêng cho người lớn” bởi lúc này tài khoản đăng nhập lại là của chính cha mẹ.

Bảo Anh

Bạn cũng có thể thích

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.