Nội dung tin cậy, cập nhật nhanh nhất

Người già ở Trung Quốc bị 'ra rìa' vì không biết dùng WeChat

“Nếu không chịu nhận tiền mặt thì hãy ghi rõ ngoài cửa hàng”, ông Xie, 67 tuổi, nói trong nghẹn ngào và tức giận khi cố gắng dùng tiền mặt để trả tiền hàng tại một tiệm tạm hóa, nơi chỉ nhận thanh toán qua di động.

Khó chịu trước thái độ của người bán hàng, ông đã to tiếng khiến nhiều nhân viên bảo vệ chạy tới vây quanh. “Anh ta làm tôi, một ông già, xấu hổ vì không thể sử dụng WeChat”, Xie giải thích sau khi đã lấy lại bình tĩnh.

Một video đăng trên Weibo cuối tháng 9 năm nay đã nhanh chóng tạo nên một làn sóng tranh luận trên mạng Internet. Câu hỏi chung được nhiều người đặt ra là khi cuộc cách mạng kỹ thuật số tại Trung Quốc đang phát triển với tốc độ quá nhanh, liệu những người cao tuổi có thể theo kịp được hay không.

Người già ở Trung Quốc bị 'ra rìa' vì không biết dùng WeChat

 
 

Video ghi lại cảnh ông Xie tại cửa hàng tạp hóa. Nguồn: Weibo

Trên thực tế, vấn đề này từng gây xôn xao dư luận hồi năm ngoái, khi nữ nhà văn có tên Xiao Ao xuất bản một bài báo có tiêu đề: “Xin lỗi, khi bạn đã hơn 70 tuổi, bạn không thể tiếp tục tồn tại”.

Trong bài báo, Xiao đã bày tỏ sự thất vọng về những khó khăn của ông nội mình, người đã 90 tuổi, khi nhận một gói bưu phẩm mà cô gửi. “Tôi nghĩ rằng nó chỉ là một lần giao hàng đơn giản”, Xiao nhớ lại. “Ông tôi sẽ ra mở cửa, lấy gói hàng, rồi mở nó ra để nhận món quà bên trong. Nhưng tôi đã nhầm”.

Gói quà được gửi tới khu nhà của ông nội Xiao, nhưng lại được đặt trong một chiếc tủ có khóa chuyên để giao hàng. Người nhận, muốn lấy đồ, phải mở khóa chiếc tủ bằng tài khoản Wechat của họ.

“Ông tôi chỉ có thể nhận cuộc gọi đến trên điện thoại, thậm chí chỉ làm được điều đó sau khi đã đeo kính. Ông không thể nhắn tin, chứ đừng nói tới việc dùng WeChat”, nữ nhà văn giải thích.

Theo bà, có một sự xa lánh đang ngày càng phổ biến với người cao tuổi Trung Quốc từ phía nền kinh tế kỹ thuật số. Bởi người già đang phải cố học hỏi để chạy theo và sử dụng các dịch vụ số hóa như gọi taxi hay xếp hàng tại ngân hàng hoặc bệnh viên.

“Tôi đã nhận ra rằng cuộc sống tiện lợi trước mắt, trên thực tế, lại là một thảm họa ảnh hưởng lớn đến những nhu cầu căn bản hàng ngày của cha mẹ mình. Một điều mà họ không thể tránh né hay trốn thoát”, Xiao viết trong bài báo.

Quét mã QR để sử dụng dịch vụ chia sẻ xe đạp ở Trung Quốc. Ảnh: CCTV

Quét mã QR để sử dụng dịch vụ chia sẻ xe đạp ở Trung Quốc. Ảnh: CCTV

“Chúng ta đang sống trong một thời đại quét mã vạch”, Qipeng, một cây viết của tờ Beijing Evening Paper, cũng có quan điểm tương tự. “Tuy nhiên, có rất nhiều người cao tuổi, bởi vì không thể quét QR Code, không có cách nào sử dụng các tiện ích như chia sẻ xe đạp, mua hàng giảm giá tại cửa hàng hay nhận đồ gửi trong các hộp thông minh”.

Theo Qipeng, hiện nay, từ các dịch vụ chia sẻ xe đạp hay gọi taxi, đặt bữa trưa tại văn phòng hay thanh toán khi mua hàng, tất cả các giao dịch đều dựa vào ứng dụng thanh toán di động. Các tổ chức công cộng cũng đã dần thích nghi với trào lưu này, chuyển sang sử dụng công nghệ số hóa.

Mã QR có mặt khắp nơi tại các trung tâm công cộng và thương mại tại Trung Quốc. Chúng được dán trên tường trong các quầy hàng rau, đặt bên cạnh khu thanh toán ở cửa hàng bách hóa, thậm chí được sử dụng bởi những người ăn xin ở các thành phố lớn.

Chức năng của chúng rất đơn giản. Để truy cập, người dùng mở một ứng dụng có liên quan và chọn tính năng quét mã vạch. Ứng dụng sẽ mở camera của điện thoại và quét QR Code. Sau đó, tất cả những gì phải làm là chọn một số tiền để trả hoặc đồng ý với điều khoản dịch vụ. Hành động này chỉ mất vài giây đồng hồ.

Trên toàn cầu, sự phụ thuộc vào thanh toán di động đang ngày càng tăng mạnh. Nhưng không nơi nào có sự tăng trưởng nhanh và rộng hơn so với khu vực dọc theo đường bờ biển phía Đông của Trung Quốc. Theo SCMP, trong quý III/2017, thu nhập trong lĩnh vực thanh toán di động đạt 29,5 nghìn tỷ NDT (gần 4,25 nghìn tỷ USD), tăng gấp ba lần chỉ trong một năm.

Những người trẻ tại các thành phố lớn, đặc biệt hoan nghênh hình thức này, bởi họ không còn phải mang nhiều tiền mặt khi ra phố. Một nghiên cứu của Penguin Intelligence năm 2017 cho thấy 92% số người tại các thành phố Trung Quốc, chủ yếu sử dụng các phương thức thanh toán di động. Trong khi đó chỉ có dưới 10% số người còn sự ưu ái tiền mặt.

Nhưng sau tất cả, không có một hệ thống hay giải pháp cụ thể nào trên điện thoại thông minh để giúp chúng có thể phù hợp với người cao tuổi. Bởi quá trình sử dụng ví điện tử đi kèm với bộ quy tắc và các yêu cầu riêng. Nó đòi hỏi người dùng có một sự quen thuộc nhất định với thiết bị công nghệ, cũng như thị lực đủ để đọc các bản in rất nhỏ trên màn hình.

Thậm chí, các hoạt động như liên kết tài khoản ngân hàng với điện thoại có thể là một cơn ác mộng đối với người thiếu am hiểu công nghệ. Nếu không được chỉ dạy một cách tỉ mỉ và chu đáo, đối với những người cao tuổi, các ứng dụng thanh toán sẽ đi ngược hoàn toàn với mục đích ban đầu khi được tạo ra, là bớt sự phức tạp trong cuộc sống hàng ngày.

Người đàn ông lớn tuổi khóc tại nhà ga vì không biết mua vé tàu trực tuyến. Ảnh: Sina

Người đàn ông lớn tuổi khóc tại nhà ga vì không biết mua vé tàu trực tuyến. Ảnh: Sina

Không chỉ câu chuyện của ông Xie mà rất nhiều ví dụ khác, trên báo chí và truyền thông Trung Quốc, nói về việc những người già đang gặp khó khăn trong thời đại kỹ thuật số. Hồi tháng Giêng, trang Xin Lan News kể câu chuyện về một người đàn ông lớn tuổi đã rơi nước mắt tại nhà ga xe lửa sau khi thừa nhận rằng mình không biết cách mua vé trực tuyến.

Cùng khoảng thời gian đó, một câu chuyện khác mô tả hoàn cảnh của một người bán khoai lang, than phiền rằng con trai ông đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết về công nghệ của mình để ăn cắp một số tiền lớn trong tài khoản. Tiếp đó là tin về một người phụ nữ lớn tuổi, bị lừa bởi một gã thanh niên khi giả vờ giúp cô sử dụng điện thoại khi quét mã QR.

Trên mạng xã hội Weibo, nhiều người bình luận ủng hộ người cao tuổi trong những câu chuyện kể trên. “Từ chối nhận tiền mặt thực sự là một kiểu phân biệt đối xử đối với những người không hiểu cách thức thanh toán trên di động”, một người dùng viết.

Nhưng dù gây được sự chú ý, bởi nội dung cũng như tần suất của các câu chuyện kể trên, không có một thay đổi đáng kể nào để giúp cải thiện vấn đề một cách toàn diện.

Một số tổ chức từ thiện đã tìm cách triển khai các chương trình giáo dục để giúp người cao tuổi am hiểu hơn với công nghệ. Chủ động nhất trong số này là See Young, tổ chức tình nguyện mở ra ban đầu tại Bắc Kinh, hiện hoạt động tại 16 tỉnh của Trung Quốc. Tổ chức này đã hỗ trợ cá nhân cho hơn 18.000 người cao tuổi và giúp đào tạo về kiến thức công nghệ cho hơn một triệu người. Đại diện chính quyền cũng đã lên tiếng ủng hộ See Young.

Tuy nhiên, nhiều người không đồng ý với việc buộc người cao tuổi phải tiếp tục học hỏi về công nghệ mới, bao gồm cả người sáng lập See Young, Zhang Jiaxin.

“Xã hội phải phù hợp và để tâm tới các nhu cầu thiết yếu của người cao tuổi. Đừng buộc họ phải tiêu tốn năng lượng và thời gian cho việc học tập điều mới, buộc họ phải hành động theo cách mới. Cần có một sự thay đổi mạnh mẽ để giúp đỡ và thể hiện sự tôn trọng với người già”, Zhang chia sẻ trong một bài phỏng vấn.

Zhang lo ngại rằng nếu tiếp tục gây áp lực lên những người già trong việc yêu cầu cập nhật những công nghệ mới nhất, sẽ chỉ làm cho họ cảm thấy rằng “ở nhà và cả ngoài xã hội, họ đang có một giá trị tồn tại ngày càng thấp kém” mà thôi.

Bảo Nam

Bạn cũng có thể thích

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.