Nội dung tin cậy, cập nhật nhanh nhất

'Nhiều doanh nghiệp có khả năng cũng không dám làm vì sợ tư duy cũ'

Phát biểu tại Diễn đàn Quốc gia Phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ Việt Nam sáng nay (9/5), ông Nguyễn Thế Tân – Tổng giám đốc VCCorp cho rằng, để các sản phẩm sáng tạo dựa trên công nghệ của Việt Nam phát triển thì phải thay đổi lối tư duy cũ trong chính sách quản lý. Ông ví nó không khác gì việc để xã hội khủng long mà làm quy định cho xã hội loài người.

“Một xã hội khủng long mà cấp giấy phép, làm quy định cho loài người thì chắc chắn không tồn tại loài người. Loài người sinh ra không nhờ giấy phép của khủng long mà nhờ khủng long chết đi”, ông Tân nói.

Nguyễn Thế Tân: CEO VCCorp

 
 

Ông Nguyễn Thế Tân chia sẻ tại Diễn đàn sáng 9/5. 

Người đứng đầu VCCorp chứng minh năng lực của các doanh nghiệp nội địa qua các ví dụ như Vingroup có thể sản xuất tự động hóa 4.0, Viettel tự làm thiết bị mạng 5G, thị trường gọi xe có Grab thì giờ cũng có Be, Fastgo, mảng nội dung số có VNG với Zalo, VCCorp… Tuy nhiên, tên tuổi lớn vẫn ít, tiềm năng phát triển chưa hết do chính sách quản lý lỗi thời, chưa công bằng với doanh nghiệp nội địa.

“Chính sách của chúng ta là Grab cần gắn mào trên nóc xe, phá vỡ hoàn toàn mô hình kinh doanh xe gia đình. Mạng xã hội Việt Nam nếu thuê người sản xuất video đăng lên thì vi phạm quy định về quản lý báo chí còn Youtube, Facebook… thì thuê hẳn công ty làm nội dung lại không bị kiểm soát. Chính vì thế, nhiều công ty muốn làm nhưng không dám”, vị này nói các công ty công nghệ sáng tạo nội địa như đơn vị ông phải đóng thuế 15-20% doanh thu.

Để vừa quản lý vừa tạo điều kiện cho những hình thái kinh doanh mới từ công nghệ có cơ hội phát triển, ông Nguyễn Thế Tân đề xuất 3 cơ chế. Thứ nhất, với những loại hình kinh doanh mới đã rõ ràng thì tách hẳn ra hạng mục riêng để quản lý. Thứ hai, loại hình chưa rõ ràng thì tạo cơ chế sandbox, khoanh vùng số lượng công ty, quy mô để quản lý. Thứ ba, loại hình còn hóc búa thì tạo đặc khu ảo để chọn lọc vấn đề, công ty chặt chẽ hơn. 

Chính sách quản lý công bằng hơn giữa doanh nghiệp công nghệ trong và ngoài nước cũng là đóng góp chính của ông Trần Thanh Hải – Tổng giám đốc Be Group. “Nên tạo điều kiện cạnh tranh bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, tránh tình trạng bảo hộ ngược, khi các doanh nghiệp trong nước tuân thủ nghiêm túc còn doanh nghiệp nước ngoài thì không”, ông Hải nêu.

Bà Lê Thị Thu Thủy – Phó chủ tịch Tập đoàn Vingroup, Chủ tịch Công ty VinFast cũng nhấn mạnh mặt chính sách. “Để doanh nghiệp Việt có đủ tự tin và cả niềm tin để phát triển công nghệ thì chính sách của nhà nước đóng vai trò hết sức quan trọng. Kinh nghiệm từ nhiều quốc gia cho thấy, các ưu tiên về thuế, thủ tục cởi mở sẽ giúp nền kinh tế phát triển”, bà Thủy nhận định.

Đại diện Vingroup góp ý Chính phủ chủ trì đẩy mạnh hoạt đông nghiên cứu sáng tạo đổi mới công nghệ, chú trọng đào tạo các loại hình công nghệ mới trong đại học, đầu tư nghiên cứu các công nghệ lõi. “Chính phủ nên tạo động lực, thậm chí tạo áp lực cho các doanh nghiệp phát triển”, vị này nói.

Theo ông Nguyễn Xuân Thành – Giảng viên Trường Chính sách công và quản lý Fulbright, các nghiên cứu quốc tế cho biết, doanh nghiệp công nghệ có thể giúp các nước thu nhập trung bình gia tăng năng suất lên 0,8-1,4% mỗi năm. Trong khi chính phủ luôn muốn GDP từ 7% thì nếu có thêm các doanh nghiệp công nghệ lớn, khả năng sẽ giúp kinh tế tăng thêm được 0,8-1,4%.

“Doanh nghiệp công nghệ không đi lên đơn lẻ mà cần được hội tụ theo cụm ngành đổi mới (innovation cluster). Phải có chính sách thu hút họ tập trung thành các cụm ở một nơi và có tác động cộng hưởng”, ông Thành đề xuất.

Bên cạnh chính sách, một số thách thức khác cũng đang cản bước phát triển của các doanh nghiệp khoa học công nghệ nội địa. Ông Trần Việt Hùng – Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch, Công ty Got It nói rằng không chỉ trong nước mà cơ hội tại thị trường Đông Nam Á rất lớn.

Tuy nhiên, theo ông Việt Nam chưa có đội ngũ lãnh đạo kỳ cựu có khả năng xây dựng sản phẩm hướng ra thị trường toàn cầu. Đội ngũ quản lý sản phẩm gần như chưa có, kỹ sư tốt nghiệp mới chỉ làm tốt việc gia công nhưng chưa được đào tạo kỹ càng để làm được sản phẩm lớn.

Còn theo ông Trần Thanh Hải, thái độ về tài nguyên dữ liệu người dùng cần được đề cao. Người đứng đầu Be Group cho rằng, tài sản quý nhất trong thời đại công nghiệp 4.0 là dữ liệu người dùng. 

“Hành vi của người dùng hàng ngày đang làm giàu dữ liệu cho các tập đoàn nước ngoài. Theo quan điểm của chúng tôi, dữ liệu người dùng là tài nguyên quốc gia. Doanh nghiệp Việt cần làm chủ đươc tài nguyên này và nhà nước cần kiểm soát được tài nguyên này”, ông Hải khuyến nghị.

Ghi nhận các đóng góp của doanh nghiệp, tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề xuất hàng loạt giải pháp như liên kết viện nghiên cứu, trường đại học với doanh nghiệp; xây dựng quỹ quốc gia phát triển khoa học công nghệ thông qua hình thức xã hội hóa; thúc đẩy đổi mới giảng dạy các môn học khoa học công nghệ các cấp; nghiên cứu chính sách thu hút nhân lực nước ngoài; ủng hộ thí điểm một số mô hình kinh doanh mới tại một số ngành, khu vực.

Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông làm chỉ thị, chiến lược về phát triển doanh nghiệp công nghệ để trình Chính phủ trong tháng 6, làm cơ sở pháp lý cho việc phát triển các doanh nghiệp công nghệ.

“Nếu nắm bắt thời cơ, phát huy tiềm năng , Việt Nam sẽ tiến cùng thời đại. Nhận thức này cần được biến thành hành động, tháo gỡ rào cản cho các doanh nghiệp công nghệ phát triển”, ông nói.

Viễn Thông

Bạn cũng có thể thích

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.