Nội dung tin cậy, cập nhật nhanh nhất

Sáu đề xuất cho nông sản Việt sau 'thập kỷ chuyển mình'

Một loạt đề xuất đã được các chuyên gia đưa ra tại ‘Diễn đàn Kinh tế xanh 2018’ mới đây tại tỉnh Hậu Giang, nhằm giúp tỉnh này thực hiện mục tiêu trở thành trung tâm nông nghiệp hàng đầu Đồng bằng Sông Cửu Long, và mở lối cho nông sản Việt nói sau 10 năm thực hiện tam nông và 5 năm tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Thập kỷ qua, kim ngạch xuất khẩu ngành nông nghiệp Việt Nam đạt giá trị 261,28 tỷ USD, tăng trung bình 9,24% mỗi năm. 25.300 hộ được cấp tiêu chuẩn VietGap. Ứng dụng của khoa học công nghệ góp phần tăng sản lượng và đóng góp trên 30% giá trị gia tăng của sản xuất nông nghiệp. Nhiều loại nông sản vào top đầu về năng suất trên thế giới.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Tiến – Vụ trưởng Kinh tế Nông nghiệp nông thôn (Ban Kinh tế Trung Ương), ngành nông nghiệp còn các hạn chế như phát triển chưa bền vững, thâm dụng lao động, quy mô nhỏ lẻ và ứng dụng đổi mới còn chậm. 

Trong bối cảnh vào cuối tháng trước tại Lâm Đồng, Thủ tướng đã đặt hàng ngành nông nghiệp Việt Nam trong 10 năm tới sẽ vào top 15 nước phát triển nhất thế giới với ngành chế biến nông sản thuộc top 10, nhiều ý tưởng đã tiếp tục được đề xuất thêm tại Hậu Giang hôm 12/12.

Phát triển quy mô lớn, đa chức năng

Ba đề xuất hàng đầu của ông Tiến tập trung vào xây dựng chuỗi giá trị hội nhập quốc tế, chuyển mạnh nền nông nghiệp theo hướng sản xuất quy mô lớn. Cùng với đó, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ để rút ngắn thời gian và chi phí sản xuất, khuyến khích tích tụ ruộng đất, tập trung đất nông nghiệp. 

Sản xuất lúa ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Ảnh: Cửu Long

Sản xuất lúa ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Ảnh: Cửu Long

“Ngành nông nghiệp cần phát triển theo hướng đa chức năng, vừa đảm bảo nhu cầu lương thực thực phẩm, vừa cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp, phát triển du lịch và đảm bảo môi trường sinh thái”, ông Tiến gợi ý.

Nâng cấp hạ tầng logictics

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn cho biết, hiện chi phí giao thông và vận chuyển ở Việt Nam ở mức 25%, trong khi con số này chỉ 7 – 15% ở các nước phát triển.

Như vậy, chi phí vận chuyển của Việt Nam cao gần gấp đôi, là một trong những nguyên nhân khiến giá thành sản xuất nông sản cao, khó cạnh tranh. Đây cũng là điều mà ông Nguyễn Quốc Toản – Quyền Cục trưởng Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) quan tâm.

“Để ngành nông nghiệp phát triển thì cần nâng cao hơn nữa hệ thống logistics và hạ tầng thương mại. Hệ thống chợ và siêu thị hiện nay chưa đủ để phục vụ nhu cầu của 97 triệu dân. Chúng ta tự hào trái cây đã xuất đi được hơn 60 nước trên thế giới nhưng rõ ràng còn nhiều việc phải làm”, ông Toản nhận xét.

Thay đổi lượng – chất nhân lực

Ngành nông nghiêp đang thâm dụng lao động, lực lượng lao động có tuổi chưa cập nhật kiến thức trong khi lao động trẻ có xu hướng rời bỏ nghề nông. Hiện lao động trong ngành nông lâm thủy sản chiếm đến 40,3% lượng lao động nhưng GDP chỉ chiếm 15,34%.

Ông Huỳnh Hạnh Phúc – Giám đốc điều hành Công ty Green Edu cho rằng về dài hạn, cần có chính sách khuyến khích người trẻ về quê, đưa các chương trình đào tạo khởi nghiệp vào giảng đường. Về tức thời, bổ sung kiến thức cho nông dân bằng các chương trình tập huấn, đào tạo ngắn tại các trung tâm quy tụ, liên kết và sinh hoạt của họ ở địa phương.

“Phân vai” và dùng công nghệ cao

Ông Martijn Van De Groep – Giám đốc Tổ chức Water.NL, chuyên gia tư vấn kế hoạch phát triển cho Đồng bằng sông Cửu Long cho rằng, nông nghiệp công nghệ cao là xu hướng không thể bỏ qua. Tuy nhiên, các tỉnh vùng đồng bằng này nên “phân vai” trong sản xuất để phát huy tối đa lợi thế và giá trị.

“Đồng bằng sông Cửu Long có tiềm năng lớn để phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Giờ là thời điểm phù hợp để bắt tay làm. Ngoài ra, mỗi tỉnh nên ưu tiên hóa sản xuất trong tương lai. Ví dụ Hậu Giang tập trung trái cây và nuôi trồng thủy sản thì lập ưu tiên sẽ trồng cây gì, nuôi con gì”, vị chuyên gia nói.

Ông Trương Minh Huy Vũ, chuyên gia của Đại học Quốc gia TP HCM khuyến nghị Hậu Giang liên kết với các tỉnh trong Tứ giác Long Xuyên. Đây cũng là  tiểu vùng có tiềm năng phát triển nông nghiệp công nghệ cao lớn vì còn những quỹ đất rộng.

“Đánh” các kênh tiêu thụ hiện đại 

Ông Lương Duy Hoài – Chủ tịch Công ty Giao Hàng Nhanh nhận định nông sản  nhập khẩu đang tăng và nếu không nhanh nhạy thì hàng Việt có thể thua trên sân nhà. Những kênh tiêu thụ hiện đại tại thành thị đang là cơ hội lớn.

Quầy thực phẩm trong một cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam. Ảnh: AP

Quầy thực phẩm trong một cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam. Ảnh: AP

Cụ thể, có ba kênh với giá trị thị trường tổng cộng lên tới 2-3 tỷ USD thời gian tới không thể bỏ qua. Thứ nhất, số cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini trong 5 năm tới dự kiến cán mốc 10.000, doanh số 3-5 tỷ USD mỗi năm. Trong đó, 10-35% là doanh số đến từ mặt hàng nông sản, thủy hải sản.

Thứ hai, thương mại điện tử trong 5 năm tới có thể đạt quy mô 15 tỷ USD. Trong đó, 1-2 tỷ USD đến từ nhóm hàng nông sản. Và thứ ba là các dịch vụ tích hợp như giao thức ăn. Hiện thị trường này có quy mô 300 triệu USD và được dự báo đạt 2 tỷ USD sau 5 năm nữa.

Làm ăn “chính ngạch” với Trung Quốc

Không thể phủ nhận Trung Quốc đã và sẽ tiếp tục là bạn hàng rất lớn nông sản Việt Nam. Hầu hết các chuyên gia đồng thuận rằng, xuất khẩu chính ngạch là con đường hợp lý nhất. Ông Tôn Nham – Phó chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp Trung Quốc – ASEAN đưa ra 4 lưu ý chính.

“Đầu tiên là thông tin, cần có cơ chế trao đổi để hai nước nắm bắt nhu cầu của nhau. Thứ hai, thị trường Trung Quốc hiện rất cạnh tranh, người tiêu dùng quan tâm sức khỏe nên giá có cao cũng được nhưng phải đảm bảo sạch. Thứ ba, sáng tạo về mẫu mã và xây dựng thương hiệu quốc gia. Người Thái tạo thương hiệu trái cây Thái Lan rất tốt trong mắt người Trung Quốc nên cần học hỏi. Cuối cùng, phải tạo liên minh, liên kết để hình thành hệ sinh thái nông nghiệp”, ông  kỳ vọng ngoài chuối và thanh long thì nhãn và sầu riêng Việt Nam sẽ là các mặt hàng tiếp theo được xuất nhiều.

Ông Lê Tiến Châu – Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết sẽ nghiên cứu các đề xuất để đưa nền nông nghiệp địa phương còn ở mức tiềm năng sang thâm nhập sâu vào chuỗi giá trị nông sản dựa trên nền tảng logistics.

Hậu Giang có hơn 141.000 ha đất nông nghiệp, chiếm 87% diện tích. Tỉnh này có 3 nông sản nổi tiếng là cam sành, khóm và cá thát lát. Tham vọng trở thành trung tâm logistics nông nghiệp của Hậu Giang có cơ sở nhờ địa thế trung tâm, với 4 tuyến quốc lộ đi qua. Trục giao thông thủy với sông Hậu, kinh xáng Xà No, kinh Quản lộ Phụng Hiệp, là đường thủy quốc gia từ TP HCM xuyên đồng bằng đổ ra biển đi các nước Đông Nam Á.

Ông Lê Thành – Viện trưởng Nông nghiệp Hữu cơ đề xuất Hậu Giang tính toán ngay độ lớn thị trường nội địa, thị trường nông sản tươi Trung Quốc, Hàn Quốc và thị trường nông sản chế biến Mỹ, Australia để lên quy hoạch.

Ông cho rằng, nếu xây 8 tổng kho, một nhà máy chế biến, 80 hợp tác xã thì sau hai năm tỉnh có thể xuất rau củ quả chính ngạch sang Trung Quốc, Hàn Quốc. Để có vốn xây dựng hạ tầng logistics và hợp tác xã, tỉnh có thể cân nhắc phát hành ‘trái phiếu xanh’ của địa phương. Song song đó, thực hiện nay chương trình đào tạo trực tuyến cho nông dân, hợp tác xã.

Viễn Thông

Bạn cũng có thể thích

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.