Thứ trưởng Công Thương: 'Không nên cực đoan với nhiệt điện than'
“Việt Nam trước đây là quốc gia xuất khẩu năng lượng, nhưng tới đây sẽ trở thành quốc gia nhập khẩu năng lượng”, ông Đặng Hoàng An – Thứ trưởng Bộ Công Thương chia sẻ tại họp báo Hội nghị cấp cao nhóm đối tác năng lượng Việt Nam (VEPG) lần 2, chiều 26/11.
Bộ Công Thương, với tư cách cơ quan quản lý lĩnh vực năng lượng, đang tìm kiếm một cấu hình năng lượng tối ưu, trong đó đảm bảo việc sử dụng nguồn điện từ các loại hình (thuỷ điện, nhiệt điện than, khí, năng lượng tái tạo…) là như nhau.
“Tìm ra cấu hình năng lượng tối ưu cho đất nước là vấn đề phức tạp, trong các nguồn có nguy cơ gây ảnh hưởng tới môi trường sẽ đều tác động tới an ninh năng lượng quốc gia”, ông An nói.
Đề cập tới câu chuyện phát triển nhiệt điện than, ông An cho rằng, loại hình năng lượng này nếu đầu tư hợp lý, công nghệ tốt thì hoàn toàn ít ảnh hưởng tới môi trường. “Không nên cực đoan với nhiệt điện than, mà cần tính toán phương án tối ưu nhất để cân đối giữa các loại hình năng lượng. Nếu chúng ta từ chối hoàn toàn nhiệt điện than thì cần cân nhắc, bởi để đất nước rơi vào tình trạng mất an ninh năng lượng thì rất nguy hiểm”, Thứ trưởng Công Thương nhấn mạnh.
Ông cũng cho rằng, không có hệ thống điện nào chỉ dựa hoàn toàn vào năng lượng tái tạo, bởi loại nhiên liệu này cũng có điểm yếu là khó dự đoán, phụ thuộc vào thời tiết…
Thứ trưởng Công Thương Đặng Hoàng An. Ảnh: HT |
Nêu quan điểm của đối tác phát triển, ông Ousmane Dione – Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam nhìn nhận, khi kinh tế ngày càng phát triển chắc chắn Việt Nam sẽ không muốn “đất nước biến thành con rồng vàng nhưng xung quanh bám đầy bụi than”. Song ông thừa nhận, không thể ngay ngày mai đóng cửa các nhà máy nhiệt điện than, mà phải tiến hành dần dần.
Giám đốc WB tại Việt Nam nêu một số sáng kiến chuyển dịch năng lượng, giúp Việt Nam thực hiện kỹ thuật, tài chính để giảm sự phụ thuộc vào than trong sản xuất điện, gồm phát triển năng lượng tái tạo, thúc đẩy khí hóa lỏng, tăng đầu tư hiệu quả năng lượng. Thay vì mở rộng các nhà máy điện than, ông Ousmane cho rằng, Việt Nam nên tận dụng nguồn năng lượng nhập khẩu từ các nước láng giềng như Lào, Trung Quốc…
Mặt khác, WB cũng sẽ hỗ trợ Việt Nam tìm kiếm các giải pháp huy động nhiều hơn nguồn tài chính phát triển các dự án năng lượng, nhất là khi Việt Nam tốt nghiệp vay ODA và nợ công đang tiến sát trần cho phép.
Đề xuất cuối cùng ông Ousmane nhấn mạnh là cải cách ngành điện. Đây là yếu tố động lực thúc đẩy ngành năng lượng phát triển nhanh, sạch và có tính cạnh tranh cao.
Trong khi đó, ông Bruno Angelet – Đại sứ Liên minh châu Âu tại Việt Nam, đồng Chủ tịch VEPG cho rằng, nếu cộng các chi phí bên ngoài như chi phí bao cấp cơ sở hạ tầng, trợ cấp xây dựng các nhà máy điện, hay chi phí tổn hại sức khoẻ con người… thì giá thành nhiệt điện than “khá đắt đỏ chứ không rẻ”.
Ủng hộ Việt Nam phát triển năng lượng tái tạo thay cho nhiệt điện than, ông Bruno cho hay, không phải nước giàu mới làm được năng lượng tái tạo, ngay cả các quốc gia nghèo như Bangladesh cũng đã đạt được thành công nhất định lĩnh vực này.
“Cách đây vài năm chi phí phát triển năng lượng tái tạo khá cao tại Việt Nam, nhưng giờ thì đã khác, người Việt nói về phát triển lĩnh vực điện sạch nhiều hơn. Chi phí điện sạch không cao nếu chúng ta phát triển hợp lý, thông minh”, ông Bruno nói, đồng thời cam kết, EU sẽ hỗ trợ Việt Nam chuyển dịch “từ năng lượng nâu sang xanh”, đồng thời đảm bảo tất cả người dân được tiếp cận với năng lượng có giá cả hợp lý.
Đại sứ EU tại Việt Nam kỳ vọng những khuyến nghị của nhóm công tác năng lượng sẽ được Chính phủ Việt Nam nghiên cứu, đưa vào các tài liệu chính sách chiến lược và sẽ trở thành các hành động chính sách cụ thể.
Hội nghị cấp cao nhóm đối tác năng lượng Việt Nam (VEPG) lần 2 diễn ra chiều 26/11 với chủ đề “Chung tay vì Tương lai Năng lượng bền vững tại Việt Nam”, quy tụ hơn 200 đại diện cấp cao bao gồm các Đại sứ và đại diện từ khu vực công, các tổ chức phát triển, các công ty tư nhân và tổ chức xã hội.
Các Nhóm công tác kỹ thuật của VEPG đã đưa ra khuyến nghị chính sách với mục tiêu thúc đẩy sự phát triển ngành năng lượng Việt Nam trong 5 lĩnh vực ưu tiên, là năng lượng tái tạo, hiệu quả năng lượng, tái cấu trúc ngành năng lượng, tiếp cận và dữ liệu thống kê năng lượng.
Anh Minh