Thuận lợi hóa thương mại từ bảo lãnh thông quan
Ông Nguyễn Tương – Phó tổng thư ký hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam đã có những chia sẻ về tình hình xuất nhập khẩu tại Việt Nam.
– Ông đánh giá như thế nào về sự chuyển biến của tình hình xuất nhập khẩu và thông quan hàng hóa tại Việt Nam gần đây?
– Trong vòng 5 năm trở lại, thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu đã có những cải tiến lớn, gần như “lột xác”. Bối cảnh mở cửa của nền kinh tế, cùng sự ra đời của các ủy ban điều phối mở cửa đã thúc đẩy thuận lợi thương mại và nhiều cải tiến về thủ tục hành chính trong hải quan.
Đến tháng 6/2018, nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thủ tục hải quan đã được tự động hóa với mức độ cao, với hơn 99, 6% doanh nghiệp tham gia thực hiện hải quan điện tử, tại 100% các đơn vị hải quan trên toàn quốc. Việc ứng dụng CNTT đã rút ngắn thời gian làm thủ tục, giảm thiểu giấy tờ và đơn giản hóa hồ sơ hải quan.
Đặc biệt, đến tháng 6/2018, tỷ lệ hàng hóa qua luồng xanh lên tới 65%, luồng vàng khoảng 30% và luồng đỏ là khoảng 5%. Thời gian tiếp nhận và thông quan với hàng luồng xanh chỉ từ 1-3 giây, với hàng luồng vàng, thời gian xử lý và kiểm tra hồ sơ không quá 2 giờ làm việc.
Chỉ số năng lực quốc gia về Logistics của ngân hàng thế giới LPI mới đây thăng hạng Việt Nam từ 64 lên 29 cũng cho thấy dấu hiệu tích cực của môi trường xuất nhập khẩu ở nước ta.
Ông Nguyễn Tương – Phó tổng thư ký hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam. |
– Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam hiện nay còn gặp những khó khăn gì, thưa ông?
– Thứ nhất là sự thiếu đồng bộ giữa các cơ quan trong quá trình ứng dụng công nghệ thông tin vào hải quan. Mặc dù có nhiều động thái tích cực từ Chính phủ nhằm giải quyết khó khăn trong thủ tục thông quan, như nghị định về mở cửa quốc gia, mở cửa ASEAN (đã được trình lên tháng 8), nhưng khi triển khai xuống các địa phương, chi cục, cảng vẫn gặp nhiều bất cập. Một trong số đó là vấn đề con người. Nhiều cán bộ thuế, hải quan gây nhũng nhiễu, tiền lót tay gây cản trở cho doanh nghiệp.
Thứ hai, vấn đề kiểm tra chuyên ngành với nhiều quy định, thủ tục hành chính khiến doanh nghiệp tốn nhiều thời gian và chi phí.
– Tình trạng ”nhũng nhiễu” như ông đề cập gây cản trở như thế nào tới các doanh nghiệp xuất nhập khẩu?
– Nhiều doanh nghiệp phản ánh tình trạng bị cán bộ hải quan làm phiền, yêu cầu nhiều loại giấy tờ nhằm “đòi” thêm chi phí, chi thêm tiền mới được thông quan, hoặc muốn nhanh thì phải chi, tránh chậm trễ lại mất thêm nhiều chi phí. Thậm chí, có doanh nhân Nhật từng chia sẻ trên sóng truyền hình rằng, chở một container từ Hà Nội xuống Hải Phòng còn đắt hơn từ Hải Phòng sang Nhật.
– Để tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu, cơ quan hải quan và thuế đã có những động thái gì và được các doanh nghiệp đón nhận ra sao?
– Tiêu biểu nhất là việc thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu được tự động hóa, xây dựng hải quan điện tử triển khai tại 100% các đơn vị hải quan trên toàn quốc. Thời gian làm thủ tục, giấy tờ, hồ sơ hải quan được rút ngắn và đơn giản hóa.
Nghị định 19 của Chính phủ cũng đưa ra nội dung về cắt giảm các điều kiện kiểm tra chuyên ngành. Theo đó, giảm ít nhất 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm phải kiểm tra chuyên ngành.
Những thay đổi này được các doanh nghiệp rất hoan nghênh khi được tạo thông thoáng trong thương mại
– Theo ông, cần thêm những giải pháp gì để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu?
– Về phía Chính phủ, cần đẩy mạnh sự kết hợp giữa các bộ, ngành hải quan. Lấy ví dụ như cổng thông quan điện tử hiện mới có 11 ngành đã tham gia, còn một số ngành chưa tham gia hay chưa tham gia hết các thủ tục. Các cơ quan nhà nước cần đẩy mạnh kết nối để đảm bảo sự đồng bộ trong quá trình thực hiện.
Về phía doanh nghiệp cũng cần minh bạch hóa hoạt động, đồng thời kiểm tra liên ngành thái độ của nhân viên, cán bộ hải quan, xử lý nghiêm các tình trạng gây nhũng nhiễu.
– Hội nghị sắp tới có bàn về vấn đề triển khai Hệ thống bảo lãnh thông quan để chuẩn bị đưa vào thí điểm vào năm 2020. Ông đánh giá như thế nào?
– Bảo lãnh thông quan tạo thuận lợi cho thương mại, giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó, đặc biệt là các gánh nặng từ chi phí và thời gian, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng độ tín nhiệm của doanh nghiệp với đối tác nước ngoài.
Hệ thống này đã được triển khai ở nước ngoài, do ngân hàng đứng ra bảo lãnh. Ở nước ta, nhà nước chỉ cho phép một số ngân hàng đứng ra bảo lãnh chứ chưa cho tổ chức, cá nhân nào, muốn thực hiện phải có sự cho phép của luật pháp.
Hệ thống bảo lãnh thông quan hiệu quả hay không phụ thuộc vào luật pháp, đồng thời có sự tìm hiểu kỹ lưỡng từ phía Chính phủ, hải quan, doanh nghiệp. Trước hết, cần thiết thí điểm ở một vài nơi để rút kinh nghiệm trước khi vào hoạt động.
Phạm Vân
Hội thảo chuyên đề “Tạo thuận lợi thương mại ở Việt Nam – Những bước đi tiếp theo” là chủ đề của Hội nghị do Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân phối hợp với Tổng cục Hải quan đồng tổ chức vào tháng 9 vừa rồi tại Hà Nội. Đây là hội nghị của Liên minh Tạo thuận lợi Thương mại toàn cầu (GATF) bàn về các dự án tạo thuận lợi thương mại cho Việt Nam đã, đang và sẽ triển khai. Trong đó, nhấn mạnh dự án Bảo lãnh Thông quan – do GATF hỗ trợ kỹ thuật. Đây là một dự án đột phá sẽ làm thay đổi quy trình xuất nhập khẩu tại Việt Nam, hiện đại hoá các thủ tục thương mại và rút ngắn rất đáng kể thời giai giải phóng hàng hoá tại cảng, từ đó tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất xuất khẩu và tăng tính cạnh tranh quốc gia. |