Nội dung tin cậy, cập nhật nhanh nhất

Tranh luận về 'dự án đầu tư phân bổ nhưng không biết tiền ở đâu'

Nêu quan điểm về kế hoạch đầu tư công trung hạn, đại biểu Hoàng Quang Hàm – Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính – ngân sách của Quốc hội cho rằng, phương án phân bổ vốn đầu tư ngân sách Trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2 năm còn lại đang được Chính phủ trình, không đúng quy định Luật Đầu tư công, dàn trải và tạo cơ chế xin – cho.

Theo báo cáo của Chính phủ, 2 năm còn lại tất cả nguồn vốn bố trí để chi cho Trung ương khoảng 440.000 tỷ đồng, trong khi cân đối chi chỉ được 414.000 tỷ, còn thiếu 60.000 tỷ cho các dự án đã có danh mục vốn được phân bổ. Nếu sử dụng tiếp dự phòng Trung ương sẽ thiếu 150.000 tỷ đồng. “Điều này dẫn đến các dự án dễ bị chậm tiến độ, dàn trải. Và cách làm này sẽ tạo áp lực lớn cho giai đoạn sau”, ông Hàm lo lắng.

Giải trình điều này, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, hiện không còn tình trạng “duyệt dự án tuỳ tiện, không biết vốn ở đâu”.

Ông Dũng cho rằng, theo Luật Đầu tư công, vốn đầu tư được xây dựng và phân bổ theo kế hoạch 5 năm và rà soát theo từng năm… nên hạn chế nhiều tình trạng “ăn đong” như trước.

Theo đó, các dự án sẽ được gói gọn trong 5 năm để xem xét có bao nhiêu tiền từ đó chủ động chọn dự án, sắp xếp ưu tiên, đảm bảo làm dự án nào là phải đủ vốn ngay và làm xong đưa vào sử dụng khai thác ngay. Ưu điểm của quy định này là hạn chế được cắt khúc hàng năm, tăng tính khả thi của kế hoạch và tăng tính dự báo, giảm cơ chế xin – cho…

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

 
 

Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình ở phiên thảo luận chiều 29/10. 

Tuy nhiên, vì kế hoạch ban hành kèm theo danh mục nên khi bổ sung danh mục mới vào kế hoạch trung hạn rất khó khăn. Ví dụ nếu điều chỉnh các dự án thuộc Chính phủ đã nằm trong kế hoạch thì Thủ tướng quyết định, còn dự án mới bổ sung vào trong danh mục kế hoạch 5 năm thì phải trình Quốc hội với thủ tục rất phức tạp.

“Khi chúng ta đã cột nó vào trong danh mục 5 năm thì việc điều chỉnh linh hoạt sẽ khó hơn, phải đủ thủ tục ngay từ đầu nhiệm kỳ, nó gây sức ép cho khâu chuẩn bị dự án”, ông Dũng nêu.

Ngoài ra, kế hoạch đưa ra là vậy nhưng tiền chi thật, giải ngân thực tế phụ thuộc vào cân đối ngân sách trên cơ sở thu thực tế và bố trí chi tiết hàng năm.

Vì thế, ngoài trình sửa Luật Đầu tư công và ban hành các văn bản pháp luật tạo sự đồng bộ, Chính phủ sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp và tinh thần chung là “phân cấp triệt để cho địa phương”, quản lý chặt chẽ, hiệu quả Luật Đầu tư công. Người đứng đầu Bộ Kế hoạch cũng nhấn mạnh, phải gắn xử lý trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan trong tổ chức thực hiện giải ngân vốn, phân bổ vốn.

Không đồng tình với giải thích của Bộ trưởng Dũng, đại biểu Hoàng Quang Hàm giơ biển tranh luận.

Ông Hàm nói, việc lập kế hoạch trung hạn 5 năm để các bộ ngành, địa phương biết có bao nhiêu tiền bố trí hàng năm để thực hiện. Nhưng khi chưa sử dụng dự phòng thì hiện nguồn lực đã không cân đối được, các bộ ngành, địa phương đã thiếu 60.000 tỷ rồi, các dự án đang làm không biết được mình sẽ thiếu bao nhiêu tiền.

“Bây giờ chúng ta thêm tiếp dự phòng vào thì càng không biết dự án đang triển khai có cam kết vốn cho kế hoạch trung hạn rồi đã bị cắt bao nhiêu”, ông Hàm nhấn mạnh.

Dẫn điều 50 Luật Đầu tư công, ông Hàm nói, kế hoạch đầu tư công trung hạn phải căn cứ vào khả năng cân đối các nguồn lực. Hiện nguồn lực, khả năng huy động không đảm bảo, tức là “nó vượt khả năng”. 

Còn theo Nghị quyết 26/2016, kế hoạch đầu tư công trung hạn phải có danh mục dự án nhưng vừa rồi khi Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội không có danh mục, và đến bây giờ mới trình sang cũng không có.

“Tôi vẫn nói là nếu không thêm nguồn thì phải cắt giảm, giảm đầu tiên là các dự án đang thiếu nguồn để đình hoãn lại đúng điểm dừng kỹ thuật”, ông nói thêm.

Anh Minh

Bạn cũng có thể thích

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.